Để thay đổi thể chế tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đang được kỳ vọng là sẽ đóng góp một vai trò quan trọng hơn.
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã trở thành mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam |
Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 19/3.
Hội thảo quy tụ đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan nhà nước, các doanh nhân, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm tham vấn khu vực tư nhân trong cải cách thể chế.
Mục đích của Hội thảo là nhằm hướng tới thiết lập một cơ chế hợp tác công-tư nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây là sự kiện tiếp nối chuỗi hội thảo chuyên sâu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, USAID GIG và các cơ quan liên quan trong tuần qua về phương pháp luận, cách thức đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới nhằm đề xuất các giải pháp cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ cạnh tranh thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Jonathan Stivers, Phó tổng giám đốc Văn phòng khu vực châu Á, USAID khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách thể chế tại Việt Nam nói riêng cũng như tại các quốc gia trên thế giới nói chung.
Ông Stivers đánh giá những cải cách này là vô cùng then chốt để đạt được sự tăng trưởng toàn diện và mạnh mẽ cho Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã trở thành mục tiêu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đặt ra trong thời gian gần đây. Để thực hiện mục tiêu này, trong loạt Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
“Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình ASEAN-6 vào năm 2015, và tối thiểu đạt m
ức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế vào năm 2016. Cách tiếp cận đặt Việt Nam trong so sánh tương quan khu vực như vậy là rất thiết thực và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng và sôi động hiện nay”, ông Lộc cho biết.
Cũng theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong thời gian qua. Những thành quả cải cách này không chỉ sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị Quyết 19/2014/NQ-CP và Nghị Quyết 19 năm 2015 vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/3 vừa qua đã nhấn mạnh tới vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cùng Nhà nước trong cải cách thể chế, trong đó, Chính phủ đã giao cho VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Thực hiện các nhiệm vụ này, ông Lộc cho biết, thời gian tới VCCI sẽ tập trung phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai bao gồm: tiến hành những khảo sát, nghiên cứu độc lập đánh giá định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng các nhà đầu tư nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính, phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời. Tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách của các Bộ, ngành và địa phương.
Các Nghị Quyết 19 đặt ra mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, và đến thời điểm này đã đạt những kết quả tích cực bước đầu cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ví dụ như thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc đã cắt giảm đáng kể, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được đánh giá là giảm thiểu thời gian và chi phí để khởi sự kinh doanh…
Nhân dịp này, VCCI và Tổng cục Hải Quan đã công bố tiến hành cuộc Khảo sát Mức độ Hài lòng của Doanh nghiệp đối với Hiệu quả Cải cách Thủ tục Hành chính (CCTTHC) của Cơ quan Hải quan năm 2015, một sáng kiến chung tay của USAID-Tổng cục Hải quan-VCCI nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong cải cách thể chế về lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại.
(nguồn: theo http://www.tapchitaichinh.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét