Đầu tư nhỏ giọt vì thiếu vốn
Đầu tư cho sản xuất cần nguồn vốn lớn và ổn định nhưng theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Lan Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất bếp công nghiệp Hà Yến, DN rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Chưa kể, lãi suất cho vay sản xuất của các nước trong khu vực như Singapore là 2,5%/năm (cách đây 2 năm), Malaysia khoảng 4 - 5%/năm... thì ở Việt Nam vay lưu động thương mại là 7 - 8%/năm, còn vay đầu tư lên đến 11,5%/năm. “Lãi suất cho vay như vậy thì không thể khuyến khích DN đầu tư” – bà Lan Anh bức xúc.Kỹ thuật viên công ty TNHH SX TM DV KT Nam Long |
Đồng quan điểm, ông Đào Đức Thanh – Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Hưng chia sẻ: “40 năm trước, Thái Lan là quốc gia nghèo nhưng đến nay họ đã vượt chúng ta đến 30 năm. Không chỉ thua kém Thái Lan, Việt Nam còn có nguy cơ bị Lào, Campuchia, Myanmar vượt qua nếu như nền sản xuất trong nước tiếp tục phát triển ì ạch”.
Cũng theo ông Thanh, các DN sản xuất cần phải được “động viên” vay các nguồn vốn ưu đãi, nay lãi suất giảm còn 10 - 12%/năm nhưng rất nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận được vì vướng quá nhiều thủ tục: “Như DN chúng tôi có 20.000m2 đất loại sở hữu 50 năm, đã đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng nhà xưởng và hoạt động từ lâu, đóng thuế đầy đủ nhưng vẫn không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản thế chấp để vay vốn”.
Chính vì “bí” vốn nên DN khó mở rộng quy mô sản xuất, chỉ đầu tư nhỏ giọt thì không thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, không đủ sức nhận những đơn hàng lớn. Chưa kể, năng suất lao động thấp, thiếu hụt công nhân lành nghề khiến DN càng khó xoay xở. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành lại cho biết, DN rất muốn mở rộng sản xuất trên địa bàn Hà Nội nhưng TP lại không có quỹ đất đáp ứng được nhu cầu. Do đặc thù sản xuất cần nhà xưởng lớn nên chỉ vài ngàn mét vuông đất thì không đủ cho sự phát triển của Tập đoàn.
Cần những hỗ trợ thực chất
Chia sẻ những bức xúc của DN tại buổi gặp gỡ các DN ngành cơ khí chế tạo do Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ngành cơ khí Hà Nội trong các năm qua. Đó là liên kết yếu và khép kín, trang thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới, nhân lực vừa thiếu vừa yếu, chưa tự chủ được nguyên liệu. Để khắc phục những vấn đề này thì vai trò của hiệp hội DN, hiệp hội cơ khí là vô cùng quan trọng nhằm gắn kết hơn nữa các DN.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương cũng đồng tình với kiến nghị cần có cơ chế chính sách đồng bộ về thị trường, hỗ trợ tín dụng, tài chính và bảo vệ thị trường trong nước. Trong bối cảnh năng lực DN ngành cơ khí nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung còn hạn chế thì cần tạo đơn hàng cho DN bằng việc có những quy định rõ tỷ lệ đơn hàng dành cho DN cơ khí trong nước hợp lý khi đầu tư xây dựng các nhà máy từ vốn ngân sách. Ngoài ra, cần có sự hoạch định rõ ràng những thiết bị, sản phẩm nào trong nước tự sản xuất được thì nhất định không nhập hoặc chỉ cho nhập với tỷ lệ nhất định.
Với các ý kiến liên quan tới đất đai, ông Thăng thừa nhận, mặt bằng sản xuất của Hà Nội giờ không phải là “cô gái đẹp” nữa nên không thể giữ mãi quan điểm giá đất Hà Nội phải khác xa các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá đất phải có sự đồng thuận từ các sở, ngành khác... Và quỹ đất thì cũng không dồi dào nên phải chọn lọc và ưu tiên cho sản xuất các sản phẩm cơ khí có hàm lượng chất xám cao...
Được biết, sau buổi gặp gỡ, đối thoại với DN ngành cơ khí chế tạo, Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc gặp gỡ với DN thuộc nhiều nhóm ngành khác nhằm giải đáp và giải quyết các vướng mắc cụ thể cho từng DN.
Mỹ Bình
(nguồn: theo Trang Anh, http://www.ktdt.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét